Học thuyết quân sự của Đức Quốc xã so với đương thời Blitzkrieg

Với những nền tảng lý luận chiến thuật - chiến lược đã được đúc kết từ lịch sử trước đó ở Đức, từ những năm 1920 trở đi, học thuyết blitzkrieg của Đức dần thành hình và triển khai vào tổ chức quân đội. Tiến trình chủ yếu để góp phần hoàn chỉnh học thuyết là xác định vai trò của xe tăng - bộ binh cơ giới hoá trong tương quan với vai trò truyền thống của bộ binh - kỵ binh cùng với cách thức tổ chức lực lượng này và phương pháp tác chiến của chúng. Đây là điểm cốt yếu dẫn tới tranh luận về sự vay mượn và ảnh hưởng qua lại giữa blitzkrieg và các lý luận chiến tranh đương thời.

Lý luận chiến tranh và tổ chức quân đội của Phương Tây

Với Thế chiến thứ 1 kết thúc thắng lợi bằng chiến thuật phòng ngự trong chiến hào, giới lãnh đạo quân sự Phương Tây lại tiếp tục đặt trọng tâm vào bộ binh. Với quan điểm đó, việc nghiên cứu các giải pháp phòng ngự chiến thuật mới cho bộ binh[gc 18] được chú trọng mà việc cơ giới hoá bộ binh lại bị xem nhẹ. Ðến khi những nghiên cứu về xe tăng đạt được những tiến bộ lớn và bắt đầu được sản xuất trang bị cho quân đội, thì xe tăng được tổ chức thành các lữ đoàn thuần tăng. Vai trò của các lữ đoàn này hoặc là hỗ trợ hoả lực cho bộ binh, hoặc cơ động chiến thuật thay thế kỵ binh trước đó - dẫn đến khả năng tác chiến độc lập bị hạn chế[gc 19].

Một vài nhà lý luận quân sự như J.F.C. Fuller, B.H. Liddell Hart ở Anh có quan điểm khác về vai trò của lực lượng cơ giới hoá trong điều kiện mới. Fuller là một sĩ quan trong lực lượng xe tăng mới lập ở Anh, ông đề xuất tách xe tăng ra thành một binh chủng riêng, thậm chí vạch ra cả kế hoạch tấn công chỉ bằng lực lượng xe tăng tập trung[38]. Trong khi đó, với xuất thân là sĩ quan bộ binh, nhưng với nhãn quan của một nhà chiến thuật, Liddell Hart phân tích các trận đánh trong Thế chiến 1 để rút ra rằng những cuộc tấn công trực diện vào các điểm hay tuyến phòng ngự đối phương đều có hiệu quả thấp, và tấn công gián tiếp, vu hồi bọc hậu là chiến thuật tối ưu. Để thực hiện được chiến thuật tấn công gián tiếp, cần phải cơ giới hoá bộ binh[39]. Quan điểm của hai ông, mặc dù có một vài ủng hộ nhất định, nhưng không được Quân đội Hoàng Gia Anh thừa nhận rộng rãi để triển khai.

Ở Pháp, Charles de Gaulle (Sác-lơ đờ Gôn) xuất phát từ góc nhìn khác. Ông chỉ ra rằng phân bố dân số nước Pháp theo độ tuổi không cho phép duy trì một lực lượng bộ binh đông đúc như trước, cho nên cần cơ giới hoá bộ binh, trang bị xe tăng, máy bay, lấy khả năng cơ động và hoả lực bù cho số lượng. Tuy nhiên, cũng như ở Anh, quan điểm của ông không được giới lãnh đạo quân đội Pháp chấp nhận[40].

Trong khi đó, những quan điểm này lại được chính nước Đức cân nhắc, nghiên cứu và lựa chọn áp dụng vào học thuyết của mình.

Lý luận chiến tranh và tổ chức quân đội của Liên Xô

Khác với các nước Phương Tây trải qua chiến tranh phòng ngự ở Thế chiến 1, Liên Xô có bề dày kinh nghiệm về vận động chiến ở cùng thời kỳ cũng như cuộc nội chiến trong thời gian kế tiếp. Một mặt khác, các nhà lý luận quân sự Liên Xô nhận định rằng chiến tranh tương lai là sân khấu cho hình thức vận động chiến được cơ giới hoá. Đây là hai lý do chính dẫn đến việc các lãnh đạo Hồng quân phát triển một học thuyết quân sự, Tác chiến chiều sâu (Deep Battle), một học thuyết hiện đại so với đương thời, đã được hoàn chỉnh tới mức đã được triển khai thành Điều lệ tác chiến vào năm 1936.

Với lập luận rằng trên lãnh thổ rộng lớn của mình, chiến tranh không thể kết thúc bằng một số ít trận đánh quyết định, nên học thuyết đưa ra khái niệm "nghệ thuật chiến dịch" như là một cấp độ ở giữa chiến thuật và chiến lược[41], tức cách thiết kế, tổ chức các chiến dịch nối tiếp nhau liền lạc hợp lý được nối kết trong một mục tiêu thống nhất. Ở cấp độ chiến thuật, học thuyết đưa ra cách thức tấn công suốt chiều sâu phòng tuyết đối phương bằng các loại hoả lực để thê đội 1 mở cửa đột phá trước khi thê đội 2 - là lực lượng cơ giới hoá vận động thọc sâu[42]. Với quan điểm 2 thê đội này, học thuyết đưa đến việc vừa thành lập các đơn vị xe tăng - cơ giới hoá hợp thành tập trung có khả năng tác chiến cơ động độc lập[gc 20], vừa biên chế cơ hữu xe tăng vào các Tập đoàn quân hợp thành.

Tác giả chính của học thuyết này được cho là Nguyên soái Liên Xô M.N. Tukhachevsky, Tổng Tham mưu trưởng Hồng quân giai đoạn 1925-1928, Phó Dân uỷ Quốc phòng 1931-1937. Tuy nhiên, trong cuộc thanh trừng của Stalin vào năm 1937, Tukhachevsky cùng với các đồng sự cùng đóng góp vào học thuyết cùng với một thế hệ chỉ huy hiểu rõ học thuyết hoặc bị thủ tiêu, hoặc bị cải tạo ở các trại Gu-lắc[gc 21]Siberi[43]. Vì thế, ở thời điểm bắt đầu cuộc chiến tranh giữ nước, Hồng quân Liên Xô về cơ bản là một đội quân không có bài bản tác chiến rõ ràng, sức mạnh chỉ tính bằng số quân và vũ khí khi không có đội ngũ chỉ huy có đủ năng lực. Chỉ đến sau những thất bại ban đầu ở Chiến tranh Thế giới thứ 2, Hồng quân mới được tổ chức lại và tác chiến theo những nguyên tắc đã được xác lập trong học thuyết.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Blitzkrieg http://www.chetrichards.com/modern_business_strate... http://www.clausewitz.com/FAQs.htm#What http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://app.response.stratfor.com/e/es.aspx?s=1483&... http://www.cgsc.edu/carl/resources/csi/Cannae/cann... http://www.cgsc.edu/carl/resources/csi/fuller2/ful... http://www.history.army.mil/books/wwii/milimprov/c... http://cgsc.leavenworth.army.mil/carl/resources/cs... http://www.charles-de-gaulle.org/pages/l-homme/dos...